Không còn chất bóng đá Anh tại giải ngoại hạng nữa

12th Tháng Mười Một 2015
| 843 views

Premier League đang trở thành một “NBA của bóng đá” khi thu hút các ngôi sao về giải đấu của mình. Và mặt trái của việc này là họ phải chấp nhận đánh mất bản sắc của mình. Ở một quốc gia vẫn tự hào về truyền thống, phẩm chất quý ông như Anh, đây tất nhiên là một nỗi đau.

Không còn chất bóng đá Anh tại giải ngoại hạng nữa

Các cầu thủ Anh hiện nay đang bị lạc ngay trên quê hương mình

  • Cập nhật tin tức the thao 24/7.

Trước thềm trận giao hữu với ĐT Anh, HLV Vicente del Bosque của ĐT Tây Ban Nha khẳng định, đã không còn chất Anh ở các trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh. Một HLV đã giành chức vô địch Champions League, EURO và World Cup – tức những vinh quang cao quý nhất trong bóng đá thế giới – mà đã nói như thế, tất nhiên đấy phải là một ý kiến đáng lưu ý.

“Làm gì còn bóng đá kiểu Anh nữa,” Del Bosque nói với tờ Guardian, “Vì sự pha trộn của các trường phái bóng đá, vì sự xuất hiện của hàng loạt những cầu thủ nước ngoài khiến cho bóng đá kiểu Anh đã không còn nữa”.

Quả vậy. Nếu như không nói đấy là một trận đấu tại Anh quốc, che tên đội và tên các cầu thủ lại, làm sao chúng ta nhận ra đấy là một trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh. Chelsea đã phòng ngự phản công như một đội bóng Italia, Man United cầm bóng ru ngủ đối phương trong khi Arsenal giờ đã sẵn sàng phòng ngự khi bước vào những trận cầu lớn. Văn hóa “chuyền và chạy” của người Anh giờ đã phai nhạt, để nhường chỗ cho sự dạng về trường phái.

Vì Premier League không còn chất Anh, các cầu thủ Anh không còn chơi thứ bóng đá “kiểu Anh” nên ĐT Anh cũng đánh mất bản sắc. Trải qua hai đời HLV ngoại, Tam sư giờ mang lối chơi rất xa lạ so với thời của Alan Shearer, Paul Gascoigne, Steve McManaman, Gareth Southgate, đội bóng đầy bản sắc của EURO 1996 ngày nào.

Bây giờ nhìn ĐT Anh thi đấu, người ta có cảm giác đấy là một đội bóng ở một châu lục khác. Hoặc đấy có thể là bất kỳ đội bóng nào. HLV Roy Hodgson học của trường phái này một chút, trường phái kia một chút. Gọi là… thập cẩm cũng được, gọi là… mất gốc cũng chả sai.

Tất nhiên thật khó để trách Hodgson. Bởi khi người Anh thuê những HLV có cá tính mạnh, họ không thể buộc những người này phải tuân theo triết lý bóng đá của mình. Ngược lại họ bị chính người HLV ấy “đồng hóa”, trường hợp của Van Gaal tại Man United là một ví dụ.

Cầu thủ Anh cũng không thể cạnh tranh được vị trí với các chân sút nước ngoài. Harry Kane và Jamie Vardy là những điểm sáng quá hiếm hoi. Họ cũng là những người Anh hiếm hoi được các CLB nước ngoài chú ý. Mà việc có quá ít cầu thủ thi đấu ở nước ngoài cũng khiến cho đội tuyển Anh ngày càng trở nên suy yếu.

Khi nhìn lại thành công của Tây Ban Nha trong giai đoạn từ 2008-2012, HLV Del Bosque luôn khẳng định đấy là vì đã có nhiều hơn các cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài. Những người này tản ra các quốc gia khác, học hỏi tinh hoa của những nền bóng đá mạnh rồi quay về giúp cho đội tuyển thi đấu đa dạng hơn.

Nhưng với các cầu thủ Anh, giờ thì chính họ cũng đang lạc lối ngay trên quê hương, chứ nói gì học hỏi tinh hoa. Một nền bóng đá ngày càng rời xa bản ngã, chạy theo những hào nhoáng nhất thời thì dù giải đấu của họ có bao nhiêu người xem đi nữa cũng khó hình thành nên một đội tuyển mạnh. Ngày Tam sư xưng hùng ở châu Âu và thế giới e sẽ còn rất xa